Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật biến tần vào tiết giảm năng lượng điện ở các hệ truyền động điện bơm, quạt gió và máy nén trong nhà máy công nghiệp và toà nhà cao tầng
Các chế độ làm việc của bơm, quạt gió và máy nén trên đường ống chính
Bơm, quạt gió và máy nén thực hiện việc cấp chất lỏng-chất khí vào mạng đường ống. Trong mạng đường ống bao giờ cũng có một đường ống chính (ống cái) là đường ống lắp ngay ở đầu ra các bơm, quạt gió hoặc máy nén. Trong thực tế sản xuất thường hay quan tâm đến cột áp, lưu lượng trên đường ống chính. Vì vậy, cần phải xét các chế độ làm việc của bơm, quạt gió và máy nén trên đường ống chính. Do tính thông dụng của loại máy cánh (mà chủ yếu sử dụng kiểu ly tâm) trong sản xuất công nghiệp và trong các toà nhà cao tầng, nên trong bài viết này chỉ xét đến các chế độ làm việc của bơm, quạt gió và máy nén (cùng loại máy cánh kiểu ly tâm và gọi chung là máy) trên đường ống chính làm cơ sở để nghiên cứu khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ của máy khi áp dụng kỹ thuật biến tần trong điều khiển và ổn định áp lực hoặc lưu lượng trên đườngốngchính.
Các đặc tính cơ bản để nghiên cứu khả năng tiết giảm năng lượng điện là: đặc tính cột áp và đặc tính công suất của máy; đặc tính máy; đặc tính đường ống chính.
- Cột áp H và công suất P của máy quan hệ với lưu lượng Q của máy theo các biểu thức: H = aQ2; P = bQ3 với a, b là các hệ số không đổi, được gọi là đặc tính cột áp và đặc tính công suất của máy.Dạng đặc tính như hình 1;
Cột áp toàn phần H của máy quan hệ với lưu lượng Q theo đường cong với sự tăng của Q thì giảm H và ngược lại ở những tốc độ khác nhau; quan hệ tuyến tính giữa công suất P của máy với lưu lượng Q ở những tốc độ khác nhau được gọi chung là đặc tính máy. Dạng đặc tính như hình 1;
- Cột áp toàn phần H trên đường ống chính quan hệ với lưu lượng Q trên đường ống chính được gọi là đặc tính đường ống chính và theo biểu thức: H = Ht + kđQ2 với Ht là thành phần tĩnh của cột áp toàn phần, có thể mang dấu dương hoặc âm tuỳ thuộc sự quan hệ giữa cột áp toàn phần của đường ống chính với cột áp toàn phần của máy (trong bài chỉ xét với dấu dương là tương ứng với chiều của hai cột áp ngược nhau) và có cách tính khác nhau tuỳ thuộc vào máy là bơm, quạt gió hay máy nén; kđ là hệ số cản thuỷ khí động lực hoặc khí động lực trên đường ống, mà một trong những tác nhân chính gây ra kđ là góc mở của van (có thể là van cơ, hoặc van cơ-điện, hoặc van cơ-điện-thuỷ lực được bố trí trên đường ống đầu ra của bơm, quạt gió và máy nén) hoặc cửa gió.
Như vậy, có thể dễ dàng có nhận xét:
- Điểm làm việc “cột áp” (hay còn có thể gọi là điểm làm việc “lưu lượng”) của máy là giao điểm giữa đường cong đặc tính máy ở một tốc độ nào đó với đường cong đặc tính cột áp của máy (hình 1);
- Điểm làm việc “công suất” của máy là giao điểm giữa đường đặc tính máy ở một tốc độ nào đó với đường cong đặc tính công suất của máy (hình 1);
- Điểm làm việc của hệ thống (hệ thống được hiểu là gồm máy cùng các đường ống chính tương ứng) là giao điểm giữa đường cong đặc tính máy với đường cong đặc tính đường ống chính (hình 2);
- Việc điều chỉnh năng suất của máy (tức điều chỉnh điểm làm việc của hệ thống) được thực hiện bởi ba phương pháp:
+ Phương pháp thứ nhất: Thay đổi đặc tính đường ống chính bằng cách thay đổi góc mở của van (hoặc cửa gió ) tức thay đổi hệ số kđ. Phương pháp này thích hợp cho hệ thống có tốc độ động cơ dẫn động bơm, quạt gió và máy nén không đổi;
+ Phương pháp thứ hai: Thay đổi đặc tính của máy trên đường ống chính bằng cách thay đổi tốc độ của động cơ dẫn động máy. Sự thay đổi tốc độ đó có thể là có cấp hoặc vô cấp, hiện nay việc thay đổi tốc độ vô cấp bằng cách sử dụng biến tần là ưu việt nhất;
+ Phương pháp thứ ba: Phối hợp cả hai phương pháp trên với chú ý sử dụng thay đổi tốc độ và góc mở của van hoặc quạt gió theo vô cấp. Phương pháp này thích hợp để tạo ra sự ổn định của giao điểm giữa hai đường đặc tính (đặc tính máy và đặc tính đường ống chính) luôn nằm trên đường đẳng áp hoặc đẳng lưu (đường số 3 và số 4 trên hình 2). Để thực hiện phương pháp này một cách tốt nhất phải sử dụng van hoặc cửa gió có điều khiển (dùng loại van hoặc cửa gió có động cơ điện dẫn động).
Các chế độ làm việc trong chế độ xác lập của máy trên đường ống chính có dạng như hình 2.
Từ hình 2, dễ dàng:
- Xác định được dải điều chỉnh tốc độ động cơ dẫn động bơm, quạt gió và máy nén từ các giá trị cực đại và cực tiểu của cột áp và lưu lượng, theo biểu thức: D = ωmax/ωmin = Qmax/Qmin = (Hmax/Hmin)1/2. Trong đó: các giá trị Hmax và Qmax cho bơm, quạt gió và máy nén làm việc trên đường ống chính khi Ht =0, được xác định bởi giao điểm giữa đường cong đặc tính máy ở tốc độ ωđm (coi bằng ωmax khi điều chỉnh tốc độ về phía nhỏ hơn định mức để tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ) với đường cong đặc tính (số 1)đường ống chính (điểm A); các giá trị Hmin và Qmin, được xác định bởi giao điểm giữa đường đặc tính đường ống chính (đường số 2) với đường đặc tính máy ở tốc độ ωmin (điểm B); các giá trị Hmax và Qmax khi tồn tại thành phần cột áp tĩnh Ht, được xác định bởi giao điểm giữa đường cong đặc tính máy ở tốc độ ωđm với đường cong đi qua điểm B (đường nét đứt), đó là điểm C.
- Nhận biết được điểm làm việc của hệ thống khi máy chạy với tốc độ không đổi và thay đổi năng suất của hệ thống bằng cách thay đổi hệ số cản kđ (có thể là chủ động do thay đổi góc mở của van hoặc cửa gió trên đường ống hoặc bị động do sự thay đổi ngẫu nhiên mức tiêu thụ lưu lượng). Đó là các điểm di chuyển trên đường cong đặc tính máy ở tốc độ ωđm hoặc ở tốc độ khác mà máy đang chạy;
- Nhận biết được điểm làm việc của hệ thống khi thay đổi năng suất của hệ thống bằng cách thay đổi đặc tính máy bởi việc thay đổi tốc độ động cơ dẫn động. Đó là các điểm làm việc di chuyển trên các đường cong số 1 hoặc số 2 tương ứng với tốc độ động cơ dẫn động;
- Muốn ổn định lưu lưọng trên đường ống chính cần phải thay đổi tốc độ động cơ dẫn động và hệ số giá kđ (hai sự thay đổi đó phải đảm bảo giao điểm giữa đường cong đặc tính máy và đường cong đặc tính đường ống chính luôn nằm trên đường đẳng lưu Q = const) sao cho tương ứng với sự thay đổi cột áp;
- Muốn ổn định áp lực trên đường ống chính cần phải thay đổi tốc độ động cơ dẫn động và hệ số kđ (hai sự thay đổi đó phải đảm bảo giao điểm giữa đường cong đặc tính máy và đường cong đặc tính đường ống chính luôn nằm trên đường đẳng áp H = const) sao cho tương ứng với sự thay đổi lưu lượng (tức tương ứng với nhu cầu tiêu thụ chất lỏng-chất khí ở từng thời điểm);
- Việc thay đổi giá trị cột áp hay lưu lượng chỉ bằng cách thay đổi đặc tính đường ống chính (trên thực tế, hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện nay áp dụng phương pháp này bằng cách xoay các van) là không thể thực hiện được mục đích ổn định giá trị thay đổi đó;
- Việc thay đổi giá trị cột áp hay lưu lượng chỉ bằng cách thay đổi đặc tính máy là không thể thực hiện được mục đích ổn định giá trị thay đổi đó. Nhưng với phương pháp này mở ra khả năng “ổn định” cột áp hay lưu lượng tại từng khoảng thời gian với dao động cột áp hay lưu lượng cho phép bằng cách phối hợp với xoay các van.
Khái quát khả năng tiết giảm năng lượng trong TĐĐ bơm, quạt gió và máy nén khi sử dụng biến tầnViệc tính toán khả năng tiết giảm năng lượng khi sử dụng biến tần theo các tài liệu do các hãng cung cấp biến tần đưa ra. Nhưng có một điều mà tác giả bài viết này “băn khoăn” là: Trong quá trình tư vấn và giúp đỡ kỹ thuật các doanh nghiệp thực hiện việc tiết giảm năng lượng thì việc đưa ra các con số tiết giảm năng lượng theo cách tính bởi các tài liệu hướng dẫn của các hãng cung cấp biến tần không có tính thuyết phục cao, các kỹ thuật viên tại các doanh nghiệp không hài lòng với cách tính toán đó bởi họ cảm thấy “hình như” thiếu một cái “gì đó” thuộc về “thực nghiệm, cơ chế (bản chất) vật lý,...của việc tiết giảm năng lượng” đối với các hệ TĐĐ cụ thể đang hoạt động tại nơi họ làm việc. Điều mà các kỹ thuật viên mong muốn là giới thiệu cho họ cơ chế vật lý, phương pháp thực nghiệm, mà trên cơ sở đó các doanh nghiệp cảm nhận “sờ được”, “thấy được” khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ đối với từng hệ TĐĐ cụ thể. Khi mà các kỹ thuật viên và các nhà quản lý của doanh nghiệp đã hiểu được khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ khi dùng biến tần và kết hợp với các thiết bị điều khiển khác (ví dụ: với PLC; màn hình điều khiển; hoặc với mạng SCADA, DCS), thì bản thân các doanh nghiệp sẽ chủ động (tự đảm bảo vốn và mời các đối tác am hiểu lĩnh vực này) ứng dụng kỹ thuật biến tần mà không cần chờ đợi “tài trợ” của nhà nước trong Chương trình tiết kiệm năng lượng thương mại thí điểm (CEEP) như hiện nay, nhằm thực hiện mục tiêu sản xuất-kinh doanh của họ.
Để hiểu khái quát khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ trong các hệ TĐĐ máy dùng biến tần, ta so sánh mức tiêu hao năng lượng ở hệ TĐĐ (dạng đơn giản nhất) dùng động cơ không đồng bộ rôto lồng sóc khi không và có dùng biến tần như hình 3.
Với việc không sử dụng biến tần: Công suất động cơ ĐC1 được tính chọn ở chế độ tải định mức và tần số nguồn điện lưới (thông thường là 50Hz), các đặc tính quan trọng như H/Hđm = f(Q/Qđm) ; P/Pđm = f(Q/Qđm) thể hiện trên hình 1 chỉ ở một tốc độ ωđm (điểm làm việc của hệ thống là điểm cố định hoặc di chuyển trên đường cong đặc tính máy ở tốc độ ωđm trên hình 3a).
Với việc sử dụng biến tần: Từ các đặc tính cơ của động cơ không đồng bộ rôto lồng sóc trong hệ thứ 8 (xem bài kỳ trước), dễ thấy một điều hiển nhiên là khi cài đặt tần số định mức ở biến tần sao cho tốc độ không tải của động cơ ĐC2 (hình 3b) cao hơn ω0 của động cơ ĐC1 thì mô men trên trục động cơ ĐC2 sẽ tăng lên, bởi thế công suất Pmax cần phải tính ở tốc độ cực đại ωmax, còn công suất định mức sẽ được tính ở tốc độ định mức theo biểu thức Pđm = Pmaxωđm/ωmax.
Theo biểu thức này, sẽ thấy với cùng một tải khi dùng biến tần với điều kiện cài đặt trên sẽ chọn được ĐC2 có công suất nhỏ hơn ĐC1 nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng được công suất cần thiết trên trục dẫn động máy (tức tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ đã thực hiện được), hoặc với hệ TĐĐ có sẵn sau khi chuyển đổi dùng biến tần (vẫn sử dụng ĐC1) thì do tính ưu việt của biến tần (cài đặt quy luật điều khiển) sẽ vẫn thực hiện được tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ trong quá trình cần thay đổi và ổn định cột áp hoặc lưu lượng (được hiểu là tập các giá trị thấp hơn giá trị tối đa cho phép tương ứng với tốc độ định mức của động cơ dẫn động).
Việc thực hiện được tiết giảm năng lượng điện nhờ các quy luật điều khiển cài đặt trực tiếp vào biến tần hoặc thông qua PLC (trong các hệ thống phức tạp) có thể hiểu dễ dàng qua 2 ví dụ sau:
Ví dụ 1: Dùng biến tần trong hệ TĐĐ quạt gió (loại máy cánh) có chức năng cấp khí lạnh (thuộc hệ điều hoà không khí trung tâm) vào một phòng như sau:
Ta biết rằng, để điều hoà không khí trong một phòng cần thực hiện việc điều chỉnh cấp khí lạnh (luồng khí lạnh) qua các cửa gió và để ổn định nhiệt độ trong phòng theo mức mong muốn có thể thực hiện theo 2 cách: hoặc chỉnh độ mở cửa gió hoặc điều chỉnh lưu lượng khí lạnh vào phòng theo phương pháp điều chỉnh áp lực dòng khí lạnh. Từ các đặc tính trên hình 1 và hình 2, cùng khả năng đáp ứng được các đặc tính đó của biến tần sẽ đưa ra được các điểm làm việc của hệ thống và sự phụ thuộc giữa công suất và lưu lượng của dòng khí do quạt gió tạo ra như hình 4.
Trong hình 4:
- A là điểm làm việc của hệ thống tương ứng với có lưu lượng Q, áp suất H ở chế độ định mức. Trong thực tế: chế độ định mức phải được hiểu là chế độ ứng với tốc độ tối đa mà động cơ hoạt động không gây ra các sự cố do quá tốc độ, thông thường nên chọn tốc độ tối đa cho phép chính bằng ωđm . Điều này có nghĩa, sử dụng biến tần để thay đổi tốc độ động cơ nên cài đặt tần số tối đa do biến tần tạo ra đúng bằng tần số nguồn điện lưới;
- B và C là điểm làm việc của hệ thống tương ứng với lưu lượng Q = 0,8Qđm ở chế độ sử dụng cách thay đổi góc mở cửa gió (hình 4a) và thay đổi tốc độ quay quạt gió (hình 4c) trong cả hai trường hợp không và có áp lực tĩnh, nhằm mục đích điều hoà không khí (tương ứng với sau khoảng thời gian nào đó, nhiệt độ trong phòng giảm xuống mức chỉ cần lưu lượng khí lạnh vào bằng 0,8Qđm).
Từ các đặc tính trên hình 4, dễ nhận thấy: với hình 4a và hình 4b thì công suất tiêu thụ tại thời điểm xảy ra điểm làm việc B sẽ là P/Pđm ≈ 0,92; với hình 4c và hình 4d thì công suất tiêu thụ tại thời điểm xảy ra điểm làm việc B sẽ là khoảng P/Pđm ≈ 0,48 và tại điểm làm việc C sẽ là khoảng ≈ 0,62. Như vậy, khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ tại thời điểm xảy ra trường hợp này ≈ 48% và ≈ 33%(nếu coi P/Pđm = 0,92 là 100%)
Ví dụ 2: Dùng biến tần để thay đổi áp lực (hay lưu lượng) nước trong trạm bơm nước có hai bơm (loại máy cánh) như hình 5. Ở hình 5b, có thể sử dụng PLC điều khiển hai biến tần hoặc loại bỏ PLC và cho hai biến tần quan hệ với nhau theo quan hệ Chủ/Tớ (Master/Slave).
Khảo sát việc tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ ở ví dụ này được xét trên các yếu tố: công suất các bơm và động cơ dẫn động bằng nhau; đường kính trong và vật liệu của 2 đường ống nhánh, hai van điều chỉnh lưu lượng và cột áp là hoàn toàn giống nhau; góc mở của hai van trong mọi trường hợp là bằng nhau. Như vậy, các cột áp toàn phần tại đường ống chính của hệ thống bơm 1, hệ thống bơm 2 và đường ống chính của cả hệ thống (gồm hệ thống bơm 1, bơm 2 và đường ống chính chung) là bằng nhau tại mọi thời điểm.
Với những điều kiện trên, luôn có Q = Q1 + Q2. Giả sử hệ thống đang cung cấp một lưu lượng là Qđm = Q1đm + Q2đm. Do thay đổi mức dùng nước chỉ cần một lưu lượng là Q = 0,8Q1đm + 0,8 Q2đm = 0,8Qđm.
Trong trường hợp dùng phương pháp thay đổi góc mở của van 1 và van 2 (hình 5a), tương ứng hệ thống bơm 1 có hai điểm làm việc là A1 và B1; hệ thống bơm 2 có hai điểm làm việc là A2 và B2; hệ thống có hai điểm làm việc là A và B như hình 5a; hình 5b. Khi này hệ thống sẽ tiêu thụ một công suất là P/Pđm ≈ 2x0,92 ≈ 1,84.
Trong trường hợp dùng phương pháp sử dụng biến tần để điều chỉnh tốc độ động cơ dẫn động các bơm (hình 5b), tương ứng hệ thống bơm 1 có ba điểm làm việc là A1; B1 và C1; hệ thống bơm 2 có ba điểm làm việc là A2; B2 và C2; hệ thống có hai điểm làm việc là A; B như hình 5b và có ba điểm làm việc là A; B và C như hình 6c. Khi này hệ thống sẽ tiêu thụ một công suất là P/Pđm ≈ 2x0,48 ≈ 0,96 và P/Pđm ≈ 2x0,62 ≈ 1,24.
Như vậy, khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ tại thời điểm xảy ra trường hợp này ≈ 48% và ≈ 33%(nếu coi P/Pđm = 1,84 là 100%). Từ đó, có thể thấy rằng: với việc ứng dụng biến tần thì tại thời điểm xét trên có thể đánh giá khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ khi dùng biến tần để điều chỉnh lưu lượng là khoảng ≈ 44% (nếu coi P/Pđm = 0,92 là 100%). Lưu ý: Khảo sát khả năng tiết giảm năng lượng trong trường hợp này tương ứng với góc mở các van chưa ở trạng thái mở hoàn toàn, trong trường hợp các van mở hoàn toàn thì đặc tuyến trên sẽ ở bên phải và khả năng tiết giảm năng lượng còn cao hơn.
Một cách trực quan, từ các đặc tính trên suy ra khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ bởi hệ TĐĐ máy khi chuyển đổi sang dùng biến tần (giữ nguyên động cơ dẫn động) được mô tả trực quan như hình 7.
Từ hình 7, có nhận xét:
- Với những hệ luôn phải làm việc với điều kiện định mức (hay còn hiểu là tối đa cho phép) thì việc chuyển đổi dùng biến tần không tạo ra khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ nếu không dùng biện pháp thay động cơ dẫn động bởi động cơ dẫn động khác có công suất nhỏ hơn và tần số nguồn điện từ biến tần phải cao hơn tần số nguồn điện lưới;
- Với những hệ có thời gian làm việc tạo lưu lượng hoặc áp lực càng thấp so với thời gian làm việc tạo lưu lượng hoặc áp lực tối đa thì khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ khi sử dụng biến tần càng cao;
- Với những hệ càng nhiều động cơ và mức tiêu thụ càng ngẫu nhiên (ví dụ: hệ thống điều hoà không khí các toà nhà cao tầng; các trạm bơm cung cấp nước sạch; tạo khí trong các nhà máy công nghiệp,...) thì mức tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ càng lớn.
Như vậy, với một hệ TĐĐ máy cụ thể đang sử dụng trong sản xuất công nghiệp và phục vụ nhu cầu của các toà nhà cao tầng thì khi áp dụng kỹ thuật biến tần vào điều khiển tốc độ động cơ dẫn động sẽ tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ một cách đáng kể. Mức tiết giảm bao nhiêu % phụ thuộc vào: cấu trúc cụ thể của từng hệ thống cũ; cấu trúc chuyển đổi mới và các %Qđm hoặc các %Hđm trong các khoảng thời gian cụ thể tương ứng (thường thống kê theo từng tháng, 6 tháng hay 1năm tương ứng với thời điểm ghi số điện tiêu thụ của bên bán điện). Hệ thống cũ càng nhiều động cơ, thời gian sử dụng các %Qđm (hoặc các %Pđm) dưới 100% càng nhiều và các % đó càng thấp thì khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ càng cao và ngược lại. Qua thực tế kiểm nghiệm và các phương pháp tính toán trên cơ sở khảo sát-thực nghiệm cụ thể, có thể thấy rằng: sau khi thiết lập được những quy luật điều khiển phù hợp với các chế độ làm việc cần có và cài đặt chúng vào biến tần hoặc PLC thì khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ bởi một động cơ hoặc một hệ thống nhiều động cơ nằm trong khoảng 10-45% mức tiêu thụ năng lượng điện so với khi không dùng biến tần (tính trung bình trong một khoảng thời gian chứa đủ các chế độ phụ tải).
Trong thực tế sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật thường quan tâm là ổn định áp lực hoặc lưu lượng (trong đó chủ yếu quan tâm ổn định áp lực và điểm cần ổn định áp lực là một điểm bất kỳ trên mạng đường ống do cấp quản lý sản xuất quyết định) trên đường ống chính. Hình 8a chỉ ra các điểm làm việc ổn định cột áp và lưu lượng tương ứng với sự thay đổi ngẫu nhiên của lưu lượng hay cột áp, hình 8b chỉ ra các điểm làm việc công suất tương ứng với các chế độ ổn định cột áp hay lưu lượng.
Từ hình 8b có thể dễ thấy rằng:
- Khi cần ổn định cột áp ở giá trị định mức bằng phương pháp thứ ba (với thay đổi tốc độ về phía nhỏ hơn tốc độ định mức) khi thay đổi ngẫu nhiên mức sử dụng chất lỏng hoặc khí (sự thay đổi ngẫu nhiên này được hiểu là luôn nhỏ hơn mức tiêu dùng định mức) thì mức tiêu thụ công suất của hệ thống sẽ nằm trên đường nét đứt-đậm, điều này đảm bảo khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ của hệ thống;
- Tương tự có nhận xét như trên với trường hợp ổn định lưu lượng;
- Rõ ràng, với mục đích ổn định cột áp thì khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ của hệ thống sẽ thấp hơn với mục đích ổn định lưu lượng. Điều này phù hợp với bản chất phụ thuộc vào lưu lượng theo hàm mũ bậc 2 của cột áp và theo hàm mũ bậc 3 của công suất.
Kết luận: Với việc sử dụng kỹ thuật biến tần vào mục đích điều khiển tự động tốc độ quay của máy sao cho phù hợp với sự thay đổi ngẫu nhiên của lưu lượng hay cột áp để duy trì ổn định cột áp hay lưu lượng trên đường ống, ta đã thực hiện được việc điều khiển tự động dòng năng lượng điện tiêu thụ phù hợp với dòng chất lỏng hay khí cần tiêu thụ. Nếu quá trình điều khiển tự động trên được diễn ra quanh điểm làm việc đạt hiệu suất cao nhất của máy thì khả năng tiết giảm năng lượng điện tiêu thụ của hệ thống sẽ đạt cao nhất
------------------------------------------------
Theo Tự động hóa ngày nay
- 07/11/2012 18:58 - Hệ Thống giám sát trạm cắt Vincom village
- 03/08/2011 10:37 - SCADA trong sản xuất và cung cấp nước sạch
- 02/08/2011 05:51 - Hệ thống SCADA trên tàu thủy
- 30/07/2011 08:43 - Quản lý trạm phân phối nhựa đường lỏng Asphalt
- 28/07/2011 16:13 - Nghiên Cứu tiết kiệm Năng Lượng trong Bơm, Quạt, …
- 06/05/2011 09:38 - Ưu điểm của HMI loại nhỏ
- 06/05/2011 09:08 - Hãm động cơ AC dùng biến tần
- 05/05/2011 10:20 - Network Video Transmission
- 29/04/2011 09:23 - Giải pháp truyền số liệu DTU tích hợp PLC